Bài tập 1:Chớp mắt (4 phút)
Khi xem ti vi hoặc dùng máy vi tính, chúng ta hay quên chớp mắt do tập trung nhìn. Chớp mắt là một cách đơn giản giúp mắt thư giãn và tăng khả năng tập trung.
Trong 2 phút, cứ mỗi 3 – 4 giây bạn hãy chớp mắt một lần. Sau 2 phút này, hãy tự đánh giá xem hiện giờ mắt bạn cảm thấy như thế nào, có còn mỏi không, hay thư giãn hơn. Trong 2 phút tiếp theo, cứ mỗi 30 giây bạn hãy chớp mắt một lần. Bạn có cảm nhận được sự khác biệt không?
Mỗi lần chớp mắt, bạn sẽ tạm thời không nhìn thấy gì trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng nghỉ đó giúp mắt bạn tươi tỉnh hơn, loại bỏ hết các thông tin đã nhìn thấy trước đó, và sẵn sàng đón nhận thông tin mới, chính điều này giúp làm giảm mỏi mắt.
Bài tập 2:Áp bàn tay (1 – 3 phút)
Hít thở sâu và chậm vài lần trước khi thực hiện bài tập này. Ngồi trên ghế một cách thoải mái, chống hai cùi chỏ lên mặt bàn, hoặc trên đầu gối. Nhắm mắt lại. Dùng hai bàn tay áp lên hai mắt. Lòng bàn tay che phủ trên mắt, các ngón tay phủ trên trán, và gờ bàn tay áp sát gò má. Áp bàn tay lên mắt vừa phải, sao cho mắt vẫn chớp thoải mái được.
Bài tập này giúp thư giãn trí óc, đồng thời thư giãn mắt, và làm giảm căng quanh vùng mắt. Có vẻ như bạn không phải làm gì nhiều với bài tập này, nhưng nó sẽ tạo nên sự khác biệt lớn nếu thỉnh thoảng bạn ngưng làm việc trong vài phút để tập.
Bài tập 3:Hình số 8 (1 – 3 phút)
Hãy tưởng tượng có một hình số 8 lớn nằm ngang cách bạn khoảng 3m. Đảo mắt chầm chậm theo đường viền của hình số 8 này, khoảng 5 lần. Nghỉ một lát. Sau đó đảo mắt chầm chậm theo chiều ngược lại, khoảng 5 lần. Nghỉ một lát. Cuối cùng lại đảo mắt chầm chậm theo chiều ngược lại, cũng khoảng 5 lần. Bài tập này có vẻ hơi lạ, nhưng bạn nên thực hiện đều đặn mỗi ngày.
Bài tập này có tác dụng tập thể dục cho các cơ vận nhãn, giúp chúng trở nên linh hoạt hơn.
Bài tập 4:Tập trung nhìn gần và xa (2 – 3 phút)
Ngồi hoặc đứng một cách thoải mái. Đặt một ngón tay trước mắt, cách mắt khoảng 25cm và nhìn tập trung cả hai mắt vào đầu ngón tay. Sau đó chuyển ánh nhìn tập trung vào một vật khác xa hơn, cách mắt khoảng 3m đến 6m. Sau đó lại chuyển ánh nhìn về đầu ngón tay như cũ. Hoán chuyển ánh nhìn gần – xa liên tục. Thời gian của mỗi lần tập trung nhìn vào đầu ngón tay, hoặc vật ở xa, tương đương với một lần hít sâu và thở ra một cách chậm rãi. Bạn nên vừa hít thở sâu, chậm, vừa thực hiện bài tập này.
Bài tập này giúp làm cơ vận nhãn khỏe hơn, và cải thiện thị lực.
Bài tập 5:Phóng to – thu nhỏ (2 – 3 phút)
Ngồi tư thế thoải mái. Giơ thẳng một cánh tay về phía trước, ngón cái bật lên trên như làm dấu “number one”. Tập trung nhìn vào đầu ngón cái khi bạn giơ cánh tay thẳng về phía trước. Sau đó từ từ đưa ngón cái lại gần hơn cho đến khi cách khuôn mặt bạn khoảng 8cm, trong lúc này mắt luôn tập trung nhìn vào đầu ngón tay. Sau đó lại giơ thẳng cánh tay ra như cũ, mắt vẫn luôn nhìn đầu ngón tay. Lặp lại việc này trong vòng 2 – 3 phút.
Bài tập giúp tăng khả năng tập trung và giúp làm khỏe cơ vận nhãn.